Nếu như đền thánh Nguyễn thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không là vị thần trấn ngự phía Bắc kinh thành Hoa Lư, núi chùa Bái Đính thờ thần Cao Sơn là vị thần núi trấn ngự ở cửa ngõ phía tây vào thành trong, hang động Tràng An thờ thần Quý Minh là vị thổ thần trấn ngự ở cửa ngõ phía Nam vào thành Nam thì động, chùa Thiên Tôn là di tích thờ thần Thiên Tôn, vị thiên thần trấn ngự ở cửa ngõ phía đông vào thành ngoài của khu di tích cố đô Hoa Lư.
Động Thiên Tôn, tên gọi đầy đủ là Di tích Lịch
sử - Văn hóa Chùa và Động Thiên Tôn thuộc địa bàn thị trấn Thiên Tôn huyện Hoa
Lư tỉnh Ninh Bình, thuộc quần thể danh thắng di tích cố đô Hoa Lư.
Từ thành phố Ninh Bình, đi khoảng 4km theo đường
Ninh Bình – Hà Nội, đến thị trấn Thiên Tôn huyện Hoa Lư, rẽ trái qua cổng Cố đô
khoảng 400m, quý khách sẽ bắt gặp một dãy núi đá nguy nga vững chắc chắn ngang ỏ
phía trước. Đó chính là dãy núi Lương Dơn – Dũng Đương hay còn gọi là núi Thiên
tôn. Nằm gọn trong lòng núi chính là ngôi chùa cổ kính Thiên Tôn Động Tự. Trong
khuôn viên chùa có Chùa cổ, động thờ Thánh, có phủ Mẫu và nhà thờ Tổ trang
nghiêm cổ kính vẫn còn lưu giữ được những dáng cổ từ xa xưa đến ngày nay.
Về địa thế khu vực di tích Chùa
và Động Thiên Tôn, phía tây có núi chạy dài bao quanh, phía đông bắc là dòng
sông Hoàng Long hiền hòa thơ mộng, phía đông nam là đồng bằng thoáng đãng đẹp đẽ
và thanh bình. Gần núi Dũng Đương có núi Lương Sơn và Côn Lĩnh, 3 dãy núi này hợp
lại tạo thành lũy đá khổng lồ để che bọc kinh thành Hoa Lư. Vì có địa thế núi
sông hòa phối, thành trì vững chãi, một mặt có thể phóng tầm nhìn rộng mở, một
mặt có thể phòng thủ vững chắc như vậy cho nên hai vua Đinh Tiên Hoàng đế và Lê
Đại Hành đã chọn núi này làm Tiền đồn, vọng các tiền tiêu cho kinh thành Hoa Lư.
Tượng thần Trấn vũ Thiên Tôn
Theo thần tích đình làng Bích
Đào, làng Đại Phong, Ninh Bình, thì Thần Thiên Tôn là vị thiên thần, nguyên là
hoàng tử, do hoàng hậu nằm mộng thấy nuốt mặt trời, có thai rồi sinh ra ngài
vào ngày mồng 3 tháng 3 năm Khai hoàng thứ 25 (năm 625), gọi là Huyền Nguyên. Lớn
lên hoàng tử dũng mãnh hơn người, đi khắp thiên hạ, vào núi Dũng Dương (Hoa Lư)
tu luyện 42 năm, khi đắc đạo có thể bay lượn, biến hóa, tận trừ tà ma quỷ quái.
Ngọc hoàng ban cho thanh kiếm Tam thai thất tinh và phong làm Bắc phương Trấn
Vũ đại tướng quân. Sau phóng gươm ở dưới núi Cánh Diều (Ninh Bình) mà hóa.
Theo dã sử dân gian vùng cố
đô Hoa Lư thì động Thiên Tôn được phát hiện vào khoảng thời Hùng Vương thứ 12.
Đến thời nhà Đường có một viên quan đồng thời là một Đạo sĩ lừng danh tên là
Cao Biền (821 – 887) được cử sang cai trị đất Giao Châu. Ông thường hay cỡi diều
giấy đi dò tìm các hình thế long mạch ở khu vực này để yểm triệt mà ông cho rằng
long mạch đế vương của người Giao Chỉ chắc chắn nằm ở khu vực Ninh Bình. Đồng
thời ông cho lập đền thờ Thánh Trấn Vũ Thiên Tôn ở động núi Dũng Đương.
Hàng tượng La Hán được lưu giữ tại động Thiên Tôn
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn
12 sứ quân. Trước khi cất quân chinh phục các sứ quân khác, ông thường tới động
Thiên Tôn lễ cầu thần phù hộ và đã linh ứng, nhiều lần được thàn giúp đỡ chiến
thắng
Tháp bia rùa và lầu Ngũ phương thần linh
Sau khi kinh đô Hoa Lư dời
chuyển ra Đại La, tuy Hoa Lư không còn là trung tâm văn hóa – kinh tế – chính
trị của cả nước nữa, nhưng vua Lý Thái Tổ vẫn cho xây dựng nơi đây nhiều công
trình kiến trúc với quy mô lớn. Đến thời Trần và các triều đại phong kiến tiếp
theo, khu vực cố đô Hoa Lư đều được chú ý xây dựng, tôn tạo nhiều di tích.
Đặc biệt, động Thiên Tôn còn
được nhiều các danh sĩ đương triều của nhiều thời đại ghé thăm và chấp bút đề vịnh.
Chẳng hạn như bài thơ Vịnh động Thiên Tôn của danh nho Nguyễn Tử Mẫn (1810 -
1901), bài thơ và văn bia của tuần phủ các xứ Ninh Bình là Phan Đình Hòe (1875
- 1955),… hiện vẫn còn lưu giữ được ở động Thiên Tôn.
Giếng Cổ
Những năm 1930 – 1945, cùng
với việc thành lập các chi bộ Đảng Trường Yên, di tích động Thiên Tôn là nơi
trú chân của các chiến sĩ cách mạng.. Ngày
20/8/1945, hơn một vạn quần chúng nhân dân ở các vùng Nho Quan, Gia Viễn, Gia
Khánh cùng các đội tự vệ có vũ trang gậy gộc, giáo mác đã tập trung ở phía trước
động Thiên Tôn với cờ đỏ sao vàng, các biểu ngữ mang dòng chữ: “Việt Nam độc lập”,
“Ủng hộ Việt Minh”, “Thành lập chính quyền cách mạng nhân dân”... với khí thế sục
sôi cách mạng, đoàn quân đã kết hợp với quân dân các vùng lân cận khởi nghĩa
chiếm lại chính quyền ở tỉnh lỵ Ninh Bình từ tay phát xít Nhật.
Di chỉ khảo cổ học tại động Thiên
Tôn được phát hiện năm 1981. Hiện vật gồm gạch lát nền có trang trí chim phượng
và hoa sen, các mảnh mô hình tháp, các mảnh sóng nước 3 ngọn thuỷ kích thước
khác nhau, 2 tượng vịt nhỏ như thời Lý, 1 tượng đầu rồng thời Trần, nhiều khối
mảnh bệ hoa sen kích thước khác nhau được tráng men xanh, men vàng, nhiều mảnh
đất nung có trang trí – trong động có 1 di vật đá hình khối hộp chữ nhật chạm
hình rồng...
Với giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh quan trọng
như thế nên vào năm 1962, quần thể di tích khu vực chùa – Động Thiên Tôn đã được
Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử
tâm linh cấp quốc gia. Toàn thể di tích là một điểm trình về văn hóa tâm linh
trước khi vào cố đô và đền Đinh – Lê, thuộc quần thể lịch sử, thắng cảnh, văn
hóa, tâm linh Tràng An đang được Unesco công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Tham gia tour du lịch về với vùng đất Cố đô tại Tour Du lịch Ninh Bình của Sinhcafe!
Tham gia tour du lịch về với vùng đất Cố đô tại Tour Du lịch Ninh Bình của Sinhcafe!
0 comments:
Post a Comment