Rừng Cúc Phương như một bảo tàng thiên nhiên rộng lớn, nơi lưu giữ hệ
động, thực vật rừng trên núi đá vôi phong phú nhất ở Việt Nam. Đến Cúc Phương,
du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cây cổ thụ ngàn năm, những loài thực vật
tồn tại từ kỷ đệ tam, những loài chim quý tuyệt đẹp...
Vườn quốc gia Cúc Phương nằm
trên địa phận tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội 120km về phía tây nam, cách thành phố
Ninh Bình 45 km về phía Tây Bắc. Cúc Phương có diện tích 25.000ha, tiếp giáp 3
tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa.
Đi Cúc Phương vào thời gian nào?
Cúc
Phương đẹp nhất vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4, khi những cơn mưa rừng dữ
dội đã đi qua. Bạn nên tránh đi Cúc Phương vào những ngày mưa vì trong rừng
không khí ẩm ướt, nhiều muỗi và vắt. Chúng bám vào chân tay bạn, chích máu mà bạn
có thể không hay biết.
Phương tiện di chuyển
Bạn có thể đi đến Cúc Phương bằng ô tô, xe máy hoặc xe khách.
Xe máy, ô tô : Từ hướng Hà Nội – Ninh Bình nếu muốn đi đến Cúc Phương,
bạn ra Pháp Vân, xuôi theo quốc lộ 1A đến ngã ba Gián Khẩu (huyện Gia Viễn,
cách thành phố Ninh Bình 10km), tiếp tục đi theo quốc lộ 12 chừng 35km là đến
cửa rừng (km số 15 tính từ Nho Quan). Từ đây nếu du khách muốn tới được các
điểm tham quan, cần đi thêm 20km nữa.
Xe khách: Bạn ra bến xe Giáp Bát lên xe có ghi Nho Quan – Me, xe
sẽ về thẳng bến xe Nho Quan (giá 80.000 – 100.000 VND/vé), tới bến xe Nho Quan
có xe bus vào tới Cúc Phương (Từ bến xe Nho Quan vào tới cửa rừng là 10km).
Đi từ Ninh Bình đến Cúc Phương
Từ hướng Ninh Bình – Hà Nội, theo quốc lộ 1A đi về phía Hà Nội
qua thành phố Ninh Bình 5 km rẽ trái theo đường đi Cố Đô Hoa Lư, qua khu du
lịch tâm linh Bái Đính, qua khu du lịch hồ Đồng Chương rồi vào Cúc Phương. Hoặc
từ Ninh Bình theo quốc lộ 1A về phía Hà Nội đến ngã ba Gián Khẩu rẽ trái theo
quốc lộ 12A, qua thị trấn Nho Quan 2km rồi rẽ trái vào Cúc Phương.
Đi từ thành phố Thanh Hóa
Từ thành phố Thanh Hoá, đi theo quốc lộ 1A xuôi về phía Hà Nội,
đến gần thị xã Bỉm Sơn (chừng 3km – 4km) rẽ trái, đến ngã tư Phố Cát rẽ phải,
đến ngã ba Trại Ngọc rẽ trái vào Cúc Phương hoặc đến Ninh Bình đi theo chỉ dẫn
như trên.
Đi từ thị xã Hòa Bình
Từ thị xã Hoà Bình, theo quốc lộ 12B xuôi về thị trấn Nho Quan,
cách thị trấn Nho Quan chừng 2km rẽ phải rồi vào Cúc Phương.
Đến Cúc Phương ăn nghỉ như thế nào?
Đến Cúc Phương, bạn có thể nghỉ tại Cúc Phương Resort – Khu du
lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng chỉ cách Vườn Quốc gia Cúc Phương hơn 2 km.
(Xem chi tiết về phòng tại Cúc Phương Resort).
Hoặc bạn có thể nghỉ tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Vườn quốc gia Cúc
Phương có ba khu vực lưu trú, ăn uống và vui chơi giải trí là: Khu cổng Vườn,
Khu hồ Mạc và Khu Trung tâm. Mỗi khu có dịch vụ cho thuê các trang thiết bị
phục vụ đi rừng, xe đạp địa hình, thuê phương tiện vận chuyển, giặt là. Dành
cho khách tập thể có các khu vực để tổ chức lửa trại, biểu diễn văn nghệ dân
tộc, bida, câu cá, trò chơi dân gian. Chỗ nghỉ ngơi có phòng nghỉ đủ tiện nghi
và. Du khách có thể nghỉ chân tại các phòng nghỉ hiện đại, tiện nghi, vệ sinh
khép kín hay nhà sàn tập thể, phòng nghỉ đơn giản.
Các điểm tham quan chính tại Cúc Phương
Mức phí vào cổng tham quan vườn quốc gia Cúc Phương hiện nay là
40.000 VND/người/lượt. Toàn bộ rừng Cúc Phương là một thế giới hoàn toàn khác
biệt mà chắc chắn bạn không bao giờ hiểu hết được. Song có một số điểm tham
quan thu hút du khách gồm:
Động Người Xưa và Cây Đăng cổ thụ
Động Người Xưa là di tích cư trú và mộ táng
của người tiền sử – một di sản quý của Cúc Phương. Từ đường ô tô dừng đỗ ta chỉ
đi bộ khoảng 300 mét là đến nhưng cũng phải leo dăm chục bậc đá dốc ngược mới
tới được cửa động.
Còn Cây Đăng cổ thụ là cây có hình thái đẹp, cao tới 45 mét,
đường kính 5 mét, cỡ 8 người ôm. Từ cổng vườn theo đường ô tô vào trung tâm,
qua Động Người Xưa chừng 2 ki-lô-mét sẽ gặp Cây Đăng cổ thụ ở phía bên trái
đường. Dưới gốc Đăng, ai ai cũng trở nên thật nhỏ bé.
Cây Chò Xanh ngàn năm và Động Sơn Cung
Cây có hình thái đẹp cũng cao chừng 45 mét và
có chu vi khoảng hai chục người ôm. Từ trung tâm vườn theo đường mòn đi chừng 3
ki-lô-mét là gặp Chò ngàn năm, đúng là một kỳ quan của tạo hóa. Cũng trên tuyến
này trước khi gặp cây chò chỉ ngàn năm không xa bên tay phải có con đường lên
núi, lên Động Sơn Cung, động có nhiều nhũ đá đẹp lung linh của Cúc Phương.
Cây Sấu cổ thụ và bản Mường
Tuyến đường đến điểm du lịch này khá mạo hiểm,
dành cho ai mạnh mẽ vì nó là tuyến đi bộ xuyên rừng ngủ bản. Từ trung tâm Vườn
đi bộ về phía Tây, vượt qua con đường bê tông dài chừng 3 km là tới Cây Sấu cổ
thụ. Cây cao tới 45 mét, đường kính 1,50 mét. Cây có hình thái đẹp, du khách
không khỏi sững sờ trước hệ thống bạnh vè cao và chạy dài như một bức tường
thành. Từ Cây Sấu cổ thụ đi tiếp theo con đường mòn nhỏ chừng 13 ki-lô-mét
xuyên rừng là ta tới được bản Mường. Bản Mường nằm bên dòng sông Bưởi thơ mộng
với nhiều bản sắc văn hóa truyền thống, những căn nhà sàn thấp lợp lá gồi hoặc
cỏ gianh, những khung cửi dệt thổ cẩm sắc màu sặc sỡ.
Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương
Không chỉ là lơi bảo tồn và nghiên cứu khoa
học, Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương còn là nơi những người yêu
thích thiên nhiên có thể quan sát các hoạt động, vẻ độc đáo của từng loài linh
trưởng và thu thập các kiến thức bổ ích. Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc
Phương hiện nuôi dưỡng gần 160 cá thể của 15 loài linh trưởng quý hiếm của Việt
Nam như vọc đầu trắng Cát Bà, voọc mông trắng, voọc chà vá, voọc ngũ sắc, vượn…
Đỉnh Mây Bạc
Đứng trên đỉnh Mây Bạc cao 648 m, ta có thể
thả tầm mắt bao quát toàn cảnh Vườn Quốc gia, trông thấy cố đô Hoa Lư với chùa
Bái Đính nguy nga tráng lệ và ngắm nhìn trọn vẹn thắng cảnh Tràng An nằm ở phía
bắc Ninh Bình. Nơi đây khí hậu luôn ở khoảng 23 độ C với lượng mưa hàng năm
1.800mm. Tuyến đường đến Đỉnh Mây Bạc dài và nhiều dốc đá (Đi bộ 6 km cả đi và
về) vì vậy chỉ dành cho những người có sức khoẻ tốt, những người bị bệnh tim và
một số bệnh đặc biệt khác không nên tham gia. Thời gian thực hiện tuyến này
khoảng 4 tiếng (tính từ Trung tâm Vườn).
Hồ Yên Quang – động Phò Mã
Từ cổng Vườn đi ngược trở ra đường Nho quan
khoảng 7 km, đến cầu Tri phương rẽ về phía tây 30m là đến Hồ Yên quang. Từ hồ 3
leo qua Quèn lá rồi đi vào một thung đất tương đối bằng phẳng, rộng khoảng 100
ha đó là Thung lá. Vượt qua Thung lá, leo tới chân dẫy núi đã vôi là du khách
tới Động Phò mã giáng.
Thăm động chúng ta không khỏi ngỡ ngàng đến mức ngây ngất bởi
một công trình kiến trúc kỳ diệu của tạo hoá. Ngay phía ngoài cửa động có một
nhũ đá giống hệt hình hài của một vị quan Phò mã, cũng mũ tai chuồn, cũng cân
đai, áo thụng, cũng dáng dấp của một hoàng thân quốc thích đang ngồi trơ trơ
giữa đất trời dãi dầu với vòng quay vĩnh cửu của thời gian. Bên trong động có
nhiều buồng, mỗi buồng lại có cấu tạo lộng lẫy bởi hệ thống nhũ đá, uy nghi như
những cung đình.
Có những tuyến tham quan nào?
Hiện nay, tại rừng cúc phương có tổ chức 2 tour tham quan quan
dành cho du khách:
Đạp xe, chèo thuyền kayak và xem động vật
hoang dã ban đêm – Thời gian: 2 ngày/1 đêm (Ăn trưa, tối và ngủ đêm tại Vườn
quốc gia).
Cắm trại trong rừng, xem động vật hoang dã –
Thời gian: 2 ngày/1 đêm (Ăn trưa, tối và nghỉ lại tại Vườn quốc gia).
Cần chuẩn bị những gì khi đi du lịch tại rừng Cúc Phương?
Bạn cần chuẩn bị những vật dụng sau khi tham
quan Cúc Phương: Giày đi rừng, mũ, nước uống, thức ăn, băng gạc y tế, thuốc
chống muỗi…
Đến rừng quốc gia, du khách cũng có thể thưởng
thức món dê núi đặc sản của Ninh Bình và món ốc núi đặc biệt chỉ có ở đây. Các
món ăn hấp dẫn khác gồm: gà vườn nướng, cá rô chiên ròn nhắp rượu gạo lúa nương
Mường cay cay ngọt ngọt…
Nên mang theo ống nhòm để ngắm cảnh phía xa
Có một mẹo để tránh vắt chui vào người vào mùa
mưa như sau: bạn mua thuốc DEP (loại chống ghẻ) rất phổ biến, ở dạng kem. Dùng
DEP bôi vào các khu vực nhạy cảm như đầu, gáy, cổ áo, cổ tay, ống chân, xung
quanh thắt lưng một vòng từ bụng ra sau lưng. Mùi khét của DEP làm cho muỗi vắt
rừng đều sợ.
Tham khảo tour du lịch Cúc Phương cùng với Sinhcafe tại Tour Du lịch Ninh Bình
0 comments:
Post a Comment